Mỹ Tú: Mô hình trồng bồn bồn cải thiện đời sống nông dân
      Từng được xem là loài cây mọc dại, nhưng hiện nay bồn bồn đã “vươn mình” trở thành món ăn đặc sản, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình.

      Những ngày này, đi dọc theo tuyến Tỉnh lộ 940, từ thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa dẫn đến các xã Mỹ Tú, Mỹ Thuận và Mỹ Phước (huyện Mỹ Tú), ven theo hai bên đường, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh bà con địa phương thu hoạch và bày bán bồn bồn. Hộ anh Trần Văn Út, ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Tú là một trong những hộ tiên phong trồng bồn bồn và có thu nhập ổn định từ cây trồng này cho biết: “Gia đình tôi trồng bồn bồn hơn chục năm nay rồi, trước kia tôi trồng lúa nhưng do đây là vùng đất trũng, canh tác khó khăn nên thu nhập rất bấp bênh. Từ ngày trồng bồn bồn, kinh tế gia đình được cải thiện đáng kể, mà khoẻ hơn trồng lúa rất nhiều”.

      Là loài cây dễ trồng, bồn bồn sinh trưởng rất nhanh và ít bị sâu bệnh. Từ ngày cấy giống, sau khoảng 3 – 4 tháng là có thể thu hoạch. Lứa này thu hoạch xong sẽ “mọc con” cho ra lứa mới tiếp nối nên thu hoạch được gần như quanh năm. Mùa cao điểm nhất của bồn bồn, cũng là giai đoạn bồn bồn tươi ngon nhất là những tháng mùa mưa (từ tháng 6 đến tháng 10).

      Hiện tại, gia đình anh Út canh tác khoảng 17 công bồn bồn, trung bình mỗi công cho khoảng 200kg, đôi khi gặp điều kiện thuận lợi đạt gần 300kg/vụ. Với mức giá bồn bồn hiện nay từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, trừ chi phí nhân công, gia đình anh có lãi khoảng 35 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Bà con cắt , tách ngòi bồn bồn

      Để phát triển mạnh mô hình này và bà con an tâm sản xuất, đầu năm 2018, Tổ hợp tác (THT) bồn bồn ấp Mỹ Hưng (xã Mỹ Tú) được thành lập, hiện tổ có 08 thành viên, với diện tích hơn 07 ha. Chị Huỳnh Thị Tố Hoa, Tổ trưởng THT cho biết: “Vào vụ thu hoạch tôi sẽ đi thu gom bồn bồn của các xã viên và mua thêm của bà con địa phương để đủ số lượng giao cho đầu mối trong tỉnh và các thương lái ở Bạc Liêu, Cần Thơ. Do nhu cầu thị trường nên bồn bồn không bao giờ ế hàng”.

      Trồng bồn bồn chi phí đầu tư rất thấp, một lần trồng 3 - 4 năm sau mới cần trồng lại, chủ yếu là bỏ công chăm sóc, đôi khi chỉ cần bón ít phân, phun thuốc diệt rầy (nếu có) và quản lý nguồn nước tốt, thì bồn bồn sẽ đạt năng suất cao. Bên cạnh đó, cây bồn bồn còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương. Bà con ở đây có thêm nghề nhổ và tách ngòi (củ hủ) bồn bồn thuê với giá 5.000 đồng/kg. Mỗi ngày, một lao động có thể làm từ 30 - 40kg bồn bồn, thu nhập từ 120.000 - 150.000 đồng.

      Ông Võ Minh Quân - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mỹ Tú cho biết: “Toàn huyện hiện có khoảng 77ha trồng bồn bồn, tập trung phần lớn ở hai xã Mỹ Tú và Mỹ Thuận. Đối với huyện Mỹ Tú, bồn bồn được xác định là loại cây thế mạnh của huyện để phát triển trong thời gian tới. Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND huyện, ngành nông nghiệp đang triển khai xây dựng dự án với tổng kinh phí khoảng 500 triệu đồng để thực hiện mô hình trồng bồn bồn kết hợp nuôi tôm càng xanh theo hướng tự nhiên, góp phần tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích cho người dân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiếp tục hỗ trợ các THT nâng cao giá trị các sản phẩm giá trị gia tăng (dưa bồn bồn), nhằm tạo điều kiện cho sản phẩm tham gia đề án OCOP của tỉnh năm 2019”.

Quốc Tuấn

Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 85126046

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.