An Thạnh Đông - chuyển đổi cây trồng để nâng cao thu nhập
      Thời gian gần đây, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở xã An Thạnh Đông (Cù Lao Dung) đã có chuyển biến tích cực, từ những diện tích trồng mía kém hiệu quả, người dân đang dần chuyển sang cây trồng khác để có giá trị kinh tế cao hơn.

      Những năm qua, do giá cả nông sản bấp bênh và diễn biến của thời tiết đã làm ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất của nông dân, để khắc phục tình trạng này, Đảng ủy, UBND xã An Thạnh Đông đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó chuyển dịch cơ cấu cây trồng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. 


      Mía được xem là cây trồng chủ lực trên địa bàn xã, nhưng những năm gần đây đầu ra không ổn định, giá cả lại bấp bênh khiến nhiều nông dân lỗ nặng. Qua công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nông dân về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hiện nay, diện tích mía trên địa bàn xã còn khoảng 600 ha (giảm 90 ha so với năm 2018), trong số này nông dân chỉ trồng lại khoảng 50% diện tích mía mới còn lại là diện tích mía lưu gốc. Đồng chí Võ Quốc Hận - Phó Bí thư Đảng ủy xã An Thạnh Đông cho biết, đối với diện tích mía kém hiệu quả tùy theo điều kiện thực tế mà xã vận động bà con chuyển sang trồng màu, cây ăn trái và nuôi thủy sản. Xã cũng hỗ trợ xây dựng những mô hình sản xuất mới và chủ động phổ biến những tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng.


      Trong số các mô hình được chuyển đổi từ đất mía trên địa bàn xã là mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới đang phát huy hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Việt ở ấp Trương Công Nhựt cho biết: “Tôi trồng rau trong nhà lưới hơn 1 năm nay, do trồng các loại rau ăn lá nên có rau thu hoạch đều đặn mỗi ngày, mỗi đợt thu hoạch kéo dài liên tục từ 22 đến 25 ngày. Hiện nay, nhờ bỏ mối ngoài chợ, nên sau khi trừ chi phí, mỗi ngày có lãi từ  200 - 300 trăm ngàn đồng”. Không chỉ vậy, lợi ích từ việc chuyển đổi đất mía kém hiệu quả sang trồng rau trong nhà lưới còn giúp ông Việt tránh được côn trùng xâm nhập gây hại, hạn chế ảnh hưởng khi mưa lớn và thời tiết xấu, độ ẩm của đất giữ được lâu hơn nên có lợi nhuận gấp đôi so với trồng ngoài trời. Với mô hình này, ông Việt được nhà nước hỗ trợ khung sắt để xây dựng 1.000m2 trong hơn 3.000m2 trồng rau trong nhà lưới hiện tại. Ngoài giá trị kinh tế, mô hình còn bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và người sản xuất do hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.


Trồng rau trong nhà lưới giúp ông Việt nâng cao thu nhập và thích ứng biến đổi khí hậu

      Xác định việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình nên ngày càng xuất hiện nhiều nông dân ở xã An Thạnh Đông tìm hướng sản xuất mới cho phù hợp. Là một trong những hộ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng ở ấp Nguyễn Công Minh A, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai hy vọng với 6 công đất trồng xoài Đài Loan và nhãn Ido xen canh sau khi thay thế vườn dừa lâu năm sẽ có thu nhập ổn định hơn. Theo bà Mai, 2 loại cây trồng này được gia đình chuyển đổi gần 1 năm nay khi thu nhập từ hơn 100 gốc dừa quá thấp trong nhiều năm qua.

      Đồng chí Võ Quốc Hận cho biết thêm, hiện nay giá cả một số loại nông sản còn khá bấp bênh, đầu ra còn chưa ổn định nên xã đã vận động nông dân có diện tích sản xuất nhỏ lẻ để tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm có điều kiện thuận lợi để chuyển giao khoa học kỹ thuật và ký kết hợp đồng tiêu thụ, tránh bị doanh nghiệp ép giá. Theo báo cáo của UBND xã An Thạnh Đông, trên địa bàn xã hiện có 02 tổ hợp tác và 01 hợp tác xã, trong số này Hợp tác xã Nông nghiệp Minh Đạt có hợp đồng tiêu thụ bò giống và bò thịt với 1 trang trại ở tỉnh Trà Vinh.

      Trong giai đoạn 2015 - 2020, Đảng ủy xã An Thạnh Đông đã đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, để phát triển nông nghiệp bền vững, Đảng ủy xã sẽ thực hiện công tác chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nhằm cung cấp sản phẩm có chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, giảm diện tích mía nguyên liệu, tận dụng những vùng có lợi thế nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học đáp ứng nhu cầu sản xuất. Tiếp tục củng cố và nâng chất các tổ hợp tác, hợp tác xã hiện có, đa dạng hoá các hình thức kinh tế hợp tác bảo đảm phù hợp với điều kiện ngành nghề và trình độ sản xuất của nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân phát triển sản xuất có hiệu quả. 

      Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã đem lại những hiệu quả bước đầu cho nông dân xã An Thạnh Đông. Đây là tiền đề để địa phương tiếp tục thực hiện tốt việc phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo và duy trì bền vững các tiêu chí nông thôn mới.
Thiện Hải

Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 85147662

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.