Hiệu quả bước đầu của mô hình sản xuất hành tím theo hướng sinh học
      Hành tím được xem là một trong những đặc sản của tỉnh, có giá trị kinh tế cao và có vị trí quan trọng trong cơ cấu cây trồng, là loại rau màu truyền thống mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân TX. Vĩnh Châu. Tuy nhiên, để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, kích thích thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu thì đòi hỏi sản phẩm hành tím phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp đã tiến hành thực hiện mô hình ứng dụng sản xuất hành tím theo hướng sinh học, bước đầu mang lại tính hiệu khả quan, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng.

      Do những đặc trưng về thổ nhưỡng và kỹ thuật canh tác nên củ hành tím ở TX. Vĩnh Châu có chất lượng cao và khả năng tồn trữ được lâu. Với mùi thơm độc đáo, màu sắc bắt mắt, củ chắc, chứa nhiều tinh dầu và hoạt chất có lợi cho sức khỏe nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Đây là một trong những lợi thế cạnh tranh lớn của sản phẩm hành tím Vĩnh Châu so với hành tím được trồng ở những nơi khác trong vùng và cả nước. Hành tím Vĩnh Châu là nguồn hàng chủ lực tiêu thụ mạnh trong cả nước và xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp đã tạo điều kiện cho một số đối tượng dịch hại phát sinh, phát triển và gây hại ảnh hưởng đến năng suất, sự sinh trưởng và phát triển của củ hành tím. Dịch hại phát sinh dẫn đến tình trạng nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thường xuyên làm ảnh hưởng đến chất lượng và giá trị củ hành tím. Do đó, để nâng cao chất lượng và giá trị của củ hành tím, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, năm 2017, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị hành tím, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, giảm phân hóa học và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học đã góp phần nâng cao chất lượng và giá trị của củ hành tím an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao giảm áp lực sâu bệnh trên hành tím, những rủi ro có thể xảy ra do biến đổi khí hậu và giải pháp sinh học trong bảo quản hành tím sau thu hoạch. Theo đó, từ nguồn kinh phí của Đề án phát triển sản xuất theo quy trình Gap cho các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu giai đoạn 2015 - 2020, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã triển khai thực hiện mô hình ứng dụng sản xuất hành tím theo hướng sinh học. Qua thời gian thực hiện đã mang lại lợi ích thiết thực và từng bước thay đổi tập quán sản xuất của người nông dân. 

Giá trị và chất lượng hành tím tăng lên nhờ trồng theo hướng sinh học

      Vụ hành chính vụ 2018, mô hình ứng dụng trồng hành sản xuất theo hướng sinh học được triển khai ở phường Vĩnh Phước, Phường 2 và xã Vĩnh Hải (TX. Vĩnh Châu) với diện tích 30 ha. Qua đó, từng bước giúp nông dân trồng hành tím tăng năng suất, chất lượng và giảm chi phí sản xuất. Đồng chí Thạch Thu Hiền - Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TX. Vĩnh Châu cho biết: “Để giúp nông dân thực hiện mô hình hiệu quả, chúng tôi thường xuyên phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức các buổi tập huấn đầu bờ hướng dẫn bà con thực hiện mô hình. Các loại sâu hại ở hành tím là sâu ăn tạp, ruồi hành và đặc biệt là sâu xanh da láng là đối tượng rất khó phòng trừ. Để phòng trừ đạt hiệu quả, chúng tôi tuyên truyền bà con nên ngắt ổ trứng ngay tại ruộng. Sau đó, mới tiến hành phun hoạt chất như là nấm ký sinh tiêu diệt loại sâu này. Để thực hiện mô hình đạt hiệu quả, chúng tôi khuyến cáo bà con phải thực hiện theo đúng quy trình canh tác hành tím theo hướng an toàn, phòng trừ dịch hại tổng hợp và quản lý mùa vụ tổng hợp, cách sử dụng thuốc bảo vệ an toàn, hiệu quả, đảm bảo thời gian cách ly, quy định thuốc bảo vệ được phép sử dụng, danh mục thuốc bảo vệ thực vật trên cây hành tím và những ứng dụng chế phẩm sinh học, giảm sử dụng phân và thuốc hóa học; đồng thời, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách cũng như quy trình thu hoạch, tập kết, sơ chế và vận chuyển sản phẩm. Qua thời gian thực hiện thì nông dân áp dụng rất tốt và mang lại kết quả khả quan”.

      Theo kế hoạch, năm 2019, diện tích hành tím của TX. Vĩnh Châu khoảng 6.500 ha, trong đó, hành tím thương phẩm khoảng 5.000 ha, sản lượng ước tính khoảng 80.000 tấn. Hiện nay, diện tích hành sớm bà con thu hoạch đã xong và đang thu hoạch hành tím chính vụ. Nếu như trước tết, vụ hành tím sớm bán với giá giao động từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng/kg thì hiện nay, giá hành chính vụ còn khoảng 10.000 đồng đến 14.000 đồng/kg. Nếu hành giữ ổn định ở mức giá này thì bà con vẫn có lời. Đặc biệt, đối với nhưng mô hình trồng hành tím theo hướng sinh học thì giá trị và chất lượng củ hành được nâng lên rất nhiều. Vì vậy, mô hình không chỉ giúp tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí mà còn đảm bảo sức khỏe cho người trồng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sử dụng. Qua mô hình này, người nông dân có ý thức hơn trong sản xuất, không lạm dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học nên hạn chế ô nhiễm môi trường, đất tơi xốp, tạo môi trường sống cho các hệ vi sinh có ích phát triển sẽ hạn chế được một số đối tượng gây bệnh, giúp hành phát triển tốt, tăng năng suất và chất lượng.

      Đang thu hoạch hành tím, chú Sơn Phel, ở khóm Cà Săng, Phường 2 phấn khởi cho biết: “Vụ hành chính vụ tôi trồng 4 công theo hướng sinh học, trong quá trình sản xuất được cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật xuống tận nơi hướng dẫn quy trình canh tác và hỗ trợ phân bón, thuốc sinh học. Thấy hành ít bị sâu bệnh hơn so với lúc chưa thực hiện mô hình, củ hành có màu đẹp và đều hơn”. Là một trong những hộ tham gia mô hình, anh Sơn Nâu ở khóm Cà Săng chia sẻ: “Trước đây trồng hành dùng nhiều phân hóa học và thuốc trừ sâu. Từ khi thực hiện mô hình, tôi trồng 6,5 công hành tím theo hướng sinh học, được ngành chức năng hướng dẫn cách sử dụng thuốc và phân hữu cơ sinh học thấy hành phát triển rất tốt lại giảm chi phí sản xuất”.

      Qua triển khai thực hiện mô hình đã từng bước tạo điều kiện cho nông dân trồng hành tím có điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật, làm thay đổi tập quán của nông dân trong sản xuất. Qua đó, giúp nông dân tiếp cận và ứng dụng các phế phẩm sinh học. Việc sử dụng chế phẩm sinh học đem lại những lợi ích thiết thực không ngừng cho người sản xuất, người tiêu dùng mà còn góp phần làm sạch môi trường sống của cộng đồng, làm chuyển biến nhận thức của nông dân về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần tăng chất lượng sản phẩm, tăng giá trị cạnh tranh trên thị trường, tạo nền tảng phát triển vùng trồng hành tím an toàn, chất lượng của tỉnh.

K. Thoa

Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 85178661

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.