Ngành nông nghiệp Sóc Trăng chủ động đón bắt cơ hội từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Châu Âu
       Sau thời gian dài đàm phán, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Châu Âu (gọi tắt là EVFTA) đã được ký kết và chính thức có hiệu lực vào ngày 01/8/2020. Là một tỉnh có thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp với sản lượng lúa chiếm trên 2 triệu tấn mỗi năm, kim  ngạch xuất khẩu thủy sản đạt từ 700 – 800 triệu đô la Mỹ; ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng sẽ có sự chủ động như thế nào để đón bắt những cơ hội mới từ Hiệp định Thương mại này? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lương Minh Quyết – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vấn đề này.

       Phóng viên: Thưa ông, cụ thể thì với những lợi thế vốn có trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tỉnh Sóc Trăng sẽ có được những lợi ích gì khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Châu Âu có hiệu lực?

        Ông Lương Minh Quyết: Những mặt hàng nông sản của Sóc Trăng nhìn chung từ trước đến giờ cũng đã có xuất khẩu qua Châu Âu. Tuy nhiên, chỉ với tính chất đơn phương hoặc giữa từng quốc gia. Giờ đây, khi Hiệp định Thương mại Tự do này đã được ký kết giữa 27 nước của Khối liên minh Châu Âu thì điều này mở ra một cơ hội hoàn toàn mới cho Việt Nam chúng ta nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Trong đó, thế mạnh của Sóc Trăng là trên lĩnh vực xuất khẩu lúa gạo và thủy sản. Đây có thể xem là 2 thế mạnh đặc biệt của tỉnh Sóc Trăng so với nhiều tỉnh khác trong khu vực. Châu Âu thật sự là một thị trường đầy hấp dẫn về xuất khẩu. Đây là cơ hội vàng đối với nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh ta khi bán được với giá cao, góp phần tăng lợi nhuận cho người nông dân. Bên cạnh đó, chúng ta còn có cơ hội  được tiếp cận với các chính sách ưu đãi về thuế, có những sản phẩm mà hạng ngạch thuế chỉ 0% và những sản phẩm khác về lâu dài cũng sẽ có khả năng giảm dần về thuế.

Ông Lương Minh Quyết - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

       Phóng viên: Vậy để đón bắt những cơ hội này thì ngành nông nghiệp tỉnh đã có sự chủ động như thế nào trong định hướng sản xuất?

       Ông Lương Minh Quyết: Chúng ta phải tuyên truyền sâu rộng, mở thật nhiều hội nghị về EVFTA để cho từng cán bộ, người dân có sự hiểu biết tường tận hơn những quy định, những cam kết giữa Chính phủ Việt Nam với các nước Liên minh Châu Âu về những quy định, mức thuế, chất lượng sản phẩm... Chúng tôi định hướng bà con phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang tư duy sản xuất về kinh tế nông nghiệp. Đây là 2 vấn đề mấu chốt để chúng ta đi đến chi tiết, cụ thể trên từng lĩnh vực. Đối với cây lúa, chúng tôi lưu ý: Phải hình thành trung tâm giống chất lượng cao, trong đó tập trung vào các giống ST như ST24, ST25 để có vùng nguyên liệu lớn, từ đó có sản lượng gạo xuất sang Châu Âu được nhiều hơn. Đối với con tôm, ngoài quy hoạch lại vùng nuôi ứng dụng công nghệ cao thì chúng ta cũng phải đảm bảo nuôi theo đúng tiêu chuẩn ASC, nếu chúng ta đi được đến giai đoạn phát triển hữu cơ trên vùng tôm – lúa thì rất tuyệt vời. Đối với lĩnh vực cây ăn trái, vừa qua chúng ta đã xuất khẩu được sang một số nước, tuy nhiên thời gian tới chúng ta phải chú trọng mở rộng vùng trồng theo hướng hữu cơ. Một điều đặc biệt quan trọng mà ngành nông nghiệp hướng đến là phải đẩy mạnh hơn nữa việc hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết với các doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp sang thị trường Châu Âu một cách bài bản, thành thạo hơn cho bà con nông dân.

       Phóng viên: Khi thị trường xuất khẩu rộng mở thì yêu cầu về chất lượng sẽ càng khắc khe hơn, ngành nông nghiệp sẽ có sự chỉ đạo như thế nào, thưa ông?

       Ông Lương Minh Quyết: Có thể thấy rằng, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Châu Âu vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Thị trường khó tính này đòi hỏi nhu cầu về chất lượng sản phẩm xuất khẩu rất cao. Do đó, để chuẩn bị một tư thế tốt và có đủ cơ hội xuất khẩu sang Châu Âu, ngành nông nghiệp tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như: Về cây lúa, chúng ta bằng mọi giá phải duy trì mô hình lúa thơm – tôm sạch, gạo không chỉ thơm mà còn phải được trồng từ vùng sinh thái sạch; tập trung phát triển diện tích lúa trồng theo hướng hữu cơ; về con tôm nhất định phải đạt được quy trình nuôi theo hướng ASC – một trong những điều kiện bắt buộc mà thị trường Châu Âu đưa ra. Bên cạnh đó, kể cả trên lĩnh vực lúa gạo, thủy sản hay cây ăn trái cũng đòi hỏi phải truy xuất được nguồn gốc, tức là được cấp mã code vùng trồng.

       Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Ngọc Thơ (thực hiện)

Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 84691133

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.