Hiện nay, dịch cúm A, đặc biệt là cúm A/H5N1 đang xảy ra nhiều ổ dịch trong nước; còn cúm A/H7N9 có nguy cơ xâm nhập vào nước ta rất cao. Ông Trần Đắc Phu - Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, cả hai chủng virus gây dịch cúm H5N1 và H7N9 đều đáng sợ. Đối với cúm H5N1 hiện đang có tình trạng bùng phát trở lại, chưa đầy 2 tháng đầu năm đã có 2 trường hợp tử vong. Tại Trung Quốc, vừa qua ngành chức năng đã lấy hơn 400 mẫu ngoài môi trường xét nghiệm, thì có 8 mẫu dương tính với H7N9 - tỷ lệ rất nhỏ, nhưng số người mắc bệnh và tử vong lại rất cao. Để chủ động phòng, chống cúm A/H5N1, cúm A/H7N9 hay nói chung là bệnh cúm A lây sang người, chúng ta cùng nhau tìm hiểu một số kiến thức cơ bản xoay quanh bệnh cúm A ở người.
Cúm A là gì?
Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A thuộc một trong các chủng như: H1N1, H5N1, H7N9,…. gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây lan nhanh trong cộng đồng. Virus cúm A có thể tồn tại khá lâu ngoài môi trường. Loại virus này đặc biệt sống lâu trong môi trường nước; có thể sống được đến 4 ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ khoảng 22oC và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 0oC.
Đường lây truyền của bệnh:
Bệnh lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng. Người mang virus cúm A có khả năng truyền virus cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau, kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ,...
Dấu hiệu nhận biết của bệnh cúm A là gì?
Bệnh có biểu hiện sốt cao đột ngột (trên 38oC), ho, đau họng, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi. Một số trường hợp nặng có thể bị suy hô hấp và dẫn đến tử vong. Bệnh cúm A có triệu chứng giống với cúm thông thường, chỉ có thể chẩn đoán xác định bằng lấy dịch mũi họng để xét nghiệm.
Phòng bệnh cúm A thế nào?
Dạy trẻ biết cách rửa tay bắng xà phòng và nước sạch để phòng bệnh cúm A
Khi có biểu hiện sốt cao, đau ngực nên đi khám, tư vấn bác sĩ sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời; để được cách ly phòng bệnh cho những người xung quanh; hoặc được uống thuốc kháng virus sớm, nhất là trường hợp sống, học tập, làm việc ở khu vực có bệnh nhân cúm A. Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng, đồ chơi, … bằng hoá chất sát khuẩn thông thường. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi. Vệ sinh đường mũi, họng, mắt hằng ngày. Tránh tiếp xúc với người bệnh cúm. Khi tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1 mét. Kết hợp chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Không tự ý sử dụng thuốc kháng virus như Tamiflu.... Việc chỉ định sử dụng thuốc phải theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch cúm, Tổ chức Y tế thế giới cũng đưa ra một số khuyến cáo đối với với khách du lịch khi đi đến các quốc gia đang có dịch bệnh cúm A như sau: Không nên đi đến khu vực giết mổ gia cầm; tránh xa các trại nuôi gia cầm hoặc tránh tiếp xúc với gia cầm sống tại các chợ bán gia cầm; không nên tiếp xúc với với các vật dụng bị ô nhiễm bởi phân gia cầm hoặc vật nuôi. Thường xuyên rửa tay với xà phòng. Luôn tuân thủ an toàn vệ sinh thực phẩm và thực hành vệ sinh tốt. Đối với người có biểu hiện các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp khi đi du lịch hoặc ngay sau khi trở về từ khu vực đang có dịch bệnh cúm cần nghĩ tới do cúm A và đến ngay cơ sở y tế Nhà nước để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời./.