Lượt xem: 847
Trung tâm phòng chống HIV/AIDS sau 5 năm nỗ lực hoạt động

Tính từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại tỉnh ta vào năm 1994 đến ngày 31/12/2009, toàn tỉnh đã phát hiện 2.616 trường hợp, trong đó có 1.339 người chuyển sang AIDS và 1.037 người đã tử vong do AIDS.

Trong vòng 15 năm qua, cứ mỗi năm, trung bình Sóc Trăng phát hiện gần 170 trường hợp nhiễm HIV mới; 10 huyện, thành phố và 100/106 xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV. Tuy nhiên, đây là con số thống kê phần nổi, phần chìm còn ẩn chứa có thể nhiều hơn con số ghi nhận được. Trong thời gian qua, có thể nói, nhờ sự chỉ đạo của Cục Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, Viện Pasteur - TP. HCM, Ban Chỉ đạo phòng chống AIDS, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm và quản lý hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa tỉnh; sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể cùng sự nỗ lực của các cán bộ làm công tác phòng chống HIV/AIDS các tuyến đã đưa các chương trình hành động quốc gia, các chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước chỉ đạo về công tác phòng chống HIV/AIDS được triển khai một cách mạnh mẽ tại các địa phương trong tỉnh. Thông qua các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng đã giúp cho tỉnh, huyện và xã có ý kiến đóng góp vào việc xây dựng và phát triển văn bản quy phạm pháp luật, các hướng dẫn quốc gia về công tác phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương và Trung ương.
Qua gần 5 năm thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, hầu hết các cán bộ, cộng tác viên, đồng đẳng viên và một số cán bộ chuyên trách AIDS của tỉnh, huyện và xã đã được tiếp cận nâng cao kiến thức, kỹ năng về HIV/AIDS/STI, kỹ năng tiếp cận cộng đồng, nhất là các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao trên địa bàn; ngày càng hoàn thiện công tác thống kê, báo cáo, xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương mình. Bên cạnh đó, đã giúp cán bộ tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS tích lũy được một số kinh nghiệm hoạt động trong chương tình giảm tác hại; tự tin hơn và thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn về các hoạt động chương trình giảm tác hại trên các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao, cũng như công tác quản lý, tư vấn và chăm sóc người nhiễm HIV tại cộng đồng.
Qua kết quả khảo sát tỷ lệ hiện nhiễm HIV và kiến thức, thái độ, hành vi liên quan đến HIV/STI của nhóm nghiện chích ma túy và nhóm phụ nữ mại dâm tại tỉnh Sóc Trăng năm 2008 cho thấy: kiến thức đúng về các đường lây truyền HIV và tránh các quan niệm sai lầm phổ biến về HIV/AIDS của người nghiện chích ma túy (NCMT), mại dâm đường phố (MDĐP) và mại dâm nhà hàng (MDNH) tại Sóc Trăng còn thấp với tỷ lệ lần lượt là 39,2%; 35,0% và 43,8%. Điều này có thể được lý giải do Sóc Trăng là một trong những tỉnh tại khu vực phía Nam triển khai sớm chương trình can thiệp cho các đối tượng NCMT từ năm 2003 thông qua dự án “Phòng lây nhiễm HIV ở người nghiện chích ma túy và hạn chế sử dụng ma túy ở thanh thiếu niên dựa vào mạng lưới đồng đẳng viên và cộng tác viên tại Sóc Trăng, 2003 - 2005” và dự án “Phòng lây nhiễm HIV tại Việt Nam” do DFID và MFA tài trợ triển khai cho cả nhóm NCMT và phụ nữ mại dâm (PNMD) từ 2004 cho đến nay. Nhờ vào các hoạt động của mạng lưới cộng tác viên, đồng đẳng viên nên các đối tượng NCMT và PNMD tại các địa bàn trọng điểm trong tỉnh đã được tiếp cận và được truyền thông về phòng chống HIV/AIDS.
Với những hoạt động thiết thực đó, có thể rút ra bài học kinh nghiệm, đó là tạo sự đồng thuận và quyết tâm của cộng đồng; đảm bảo nhân lực và kinh phí hoạt động; xây dựng các nhóm giáo dục viên đồng đẳng; khởi đầu hoạt động của Trung tâm chỉ trên một, hai nội dung và luôn hoàn thiện phát triển thêm; thu hút ngày càng nhiều đối tượng thụ hưởng đến các dịch vụ hiện có trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi dự phòng lây nhiễm HIV còn chậm đổi mới về phương pháp, hình thức và chất lượng. Nhận thức và hành vi an toàn của nhân dân trong cộng đồng chưa cao, người dân còn phân biệt, kỳ thị, xa lánh người nhiễm HIV/AIDS. Tệ nạn ma tuý, mại dâm vẫn còn phát triển dưới nhiều hình thức. Người nhiễm HIV/AIDS thường lẫn tránh khai không đúng địa chỉ, họ tên, di chuyển nhiều nơi nên công tác giám sát phát hiện, tư vấn cũng gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Đội ngũ cán bộ y tế phòng chống AIDS ở tuyến huyện nhất là xã còn mới, hay thay đổi, thiếu kinh nghiệm và kiêm nhiệm. Chưa huy động sự đóng góp nguồn lực cho công tác phòng chống AIDS của các nhà hảo tâm, các tổ chức doanh nghiệp. Công tác thống kê, báo cáo các xã, giám sát phát hiện còn chậm chưa đồng bộ làm ảnh hưởng đến việc quản lý, tư vấn và chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn nhiều, trình độ nghiệp vụ chuyên môn về HIV/AIDS còn hạn chế.
Trong thời gian tới, phát huy những hiệu quả đạt được, quyết tâm khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,29% vào năm 2010 và không tăng sau năm 2010 thông qua việc triển khai các chương trình can thiệp giảm thiểu tác hại của HIV/AIDS tại 10 huyện và thành phố. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Chính quyền các cấp; đẩy mạnh thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi; mở rộng các hoạt động can thiệp giảm tác hại; chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS và giảm tác động đến kinh tế - xã hội do HIV/AIDS gây ra; giám sát HIV và tư vấn xét nghiệm tự nguyện, phòng lây nhiễm HIV qua các dịch vụ y tế và dịch vụ xã hội; đảm bảo an toàn truyền máu; đẩy mạnh công tác điều trị bằng thuốc ARV, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tăng cường công tác phòng, chống các nhiễm khuẩn qua đường tình dục; tổ chức, theo dõi, giám sát và đánh giá chương trình; kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực và hợp tác quốc tế.

Khả Quỳnh

















Thống kê truy cập
  • Đang online: 67
  • Hôm nay: 259
  • Trong tuần: 642
  • Tất cả: 1079346
Cơ quan chủ quản: Sở Y Tế tỉnh Sóc Trăng
Địa chỉ: Số 6 đường Châu Văn Tiếp, P.2, TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299.3822576, Fax: 0299.3825323, Email: soyte@soctrang.gov.vn 
Ghi rõ nguồn thông tin điện tử Sở Y Tế (soyte.soctrang.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.