Lượt xem: 3224
Những thầy lang miệt vườn

Cùng với sự phát triển của nền y học hiện đại ngày càng tiến bộ vượt bậc, nền y học dân tộc cổ truyền cũng thích nghi và bắt kịp tốc độ phát triển đó. Khác với Tây y, trong công tác khám, điều trị bệnh của Đông y, chủ yếu là “cây nhà lá vườn” và làm bằng tấm lòng hướng thiện. Bởi vì, đa số bệnh nhân đều nghèo và mang những chứng bệnh nan y. Tuy vậy, có những chứng bệnh tưởng chừng Tây y “bó tay” nhưng lại được Đông y điều trị thành công ngoài sức tưởng tượng, khoa học cũng chưa thể giải thích được mà người ta quen gọi là “có duyên”. Những người âm thầm gánh vác trọng trách “cứu nhân độ thế”, được dân gian trân trọng gọi là “thầy lang”.

Trong những ngày cuối năm, tôi có dịp đến thăm Phòng chẩn trị y học cổ truyền ở miệt vườn, vùng sông nước của huyện Kế Sách. Bà con ở nơi đây quen gọi các thầy thuốc này là những “thầy lang miệt vườn” để phân biệt với miệt chợ.

Ven 2 bên đường từ xã Nhơn Mỹ về Phòng chẩn trị y học cổ truyền Xích Long Minh Đức (thuộc Chi hội châm cứu xã) ở ấp An Phú Đông, nhà nhà đang sửa soạn đón Tết. Những cây thuốc nam thông dụng được dùng làm hàng rào, cây cảnh với nhiều hình thù ngộ nghĩnh. Chị Nguyễn Thị Kim Tuyến đang tỉa lại hàng rào bằng cây đinh lăng cho thẳng tắp, dừng tay lau mồ hôi nhỏ giọt trên má, hóm hĩnh: “Ở đây, mọi người đều biết sử dụng những cây thuốc nam hết. Mình trồng vừa để làm cảnh vừa để trị bệnh đó. Nếu mà có nhiều thì tặng cho phòng khám cấp thuốc miễn phí cho bà con để làm phước. Nhiều khi nửa đêm nửa hôm có bệnh bất tử làm sao đi trạm xá kịp, bứt vài cái lá đâm với mấy cục muối cho uống vô là yên tâm. Có gì thì sáng sớm lợi phòng khám hốt vài thang thuốc về sắc cho uống tiếp cũng hổng sao”. Thật tình, có rất nhiều loại cây, tôi không biết hết tên dù có gặp thường xuyên, cũng như không thể biết hết công dụng của những “cây cỏ” này. Bởi thế xưa kia, ông bà thường chế giễu: chết trên đống thuốc mà không biết thuốc để dùng!

Tôi thầm cám ơn chị về những điều chỉ dẫn dù rất sơ sài nhưng tôi cũng tích lũy được phần nào hữu dụng của các cây thuốc nam vùng sông nước. Hỏi thăm đường ở vài ngã ba, cuối cùng tôi cũng đến được Phòng chẩn trị nằm ven sông về hướng chợ Kế Sách. Quả thật, ngoài sức tưởng tượng của tôi. Đã quá 12 giờ trưa mà mọi người đang hối hả chuyền “cây cỏ” từ dưới ghe lên vì mới đi “săn” thuốc về. Trời nắng chang chang, tuy không gay gắt nhưng trông ai cũng nhễ nhại mồ hôi. Mọi người thoăn thoắt đem cây vào nhà kho để rửa trước khi chặt, rồi phơi khô. Những người còn lại, tranh thủ trời nắng tốt đem thuốc vừa chặt hồi sáng ra phơi theo từng chủng loại, khắp sân xi măng, ngay hàng thẳng lối, rất đẹp mắt. Sau màn chào hỏi, tôi cũng “nhào vô” phụ “một tay một chân”, ôm cây, bưng thuốc ra phơi góp phần “huyên náo”. Thoáng chốc, mọi việc đã xong, mọi người nhìn nhau… cười và bắt tay vào công việc thường nhật.

Phòng chẩn trị còn khá đơn sơ vì đang mượn tạm nhà Tây lang của Thánh tịnh Cao đài. Tuy nhiên, ấn tượng đập vào mắt tôi là 8 kệ thuốc với 160 hộc đựng 160 loại thuốc được sắp xếp ngăn nắp, sạch sẽ, có dán nhãn hẳn hoi. Điều đặc biệt hơn, ở vùng sâu như vầy mà phòng thuốc có hẳn một bộ máy vi tính được nối mạng internet để tra cứu, học hỏi kinh nghiệm; theo dõi bệnh lý, ra toa thuốc cho từng người đến khám, bốc thuốc tránh nhầm lẫn. Chưa hết, Phòng chẩn trị còn trang bị cả máy thanh trùng kim châm, máy ion, đèn hồng ngoại, máy xoa bóp, máy hủy kim; có phòng riêng dành cho phái nữ khi châm cứu. Cách sắp xếp khoa học ấy ở miệt vườn như thế này, quả thật tôi chưa thấy bao giờ. Tôi nói thầm, hèn chi bà con các nơi đến đây chữa bệnh không ít cũng có lý do của nó!

Như đọc được suy nghĩ của tôi, chú Thạch Văn Tám, Thư ký Phòng chẩn trị giới thiệu: “Phòng này có lâu rồi nhưng một thời gian dài không hoạt động. Thấy bà con mình còn vất vả quá, anh em bàn với nhau mở lại để giúp đỡ mọi người, sẵn luyện tay nghề. Khám bệnh, bốc thuốc, châm cứu hoàn toàn miễn phí, tùy lòng hảo tâm của bà con để trang trải điện đóm, trà nước. Chúng tôi đến với nhau chủ yếu bằng tấm lòng, chớ không vì tiền bạc. Có khi bỏ cả việc nhà, “móc tiền túi” để làm việc này”. Hầu hết mọi người có mặt nơi đây nhà ở xa đến. Có người ở thị trấn Kế Sách, có người ở huyện Châu Thành hay xã An Mỹ, An Hiệp,… Sáng sớm đã có mặt, ai lo việc nấy. Cá biệt, cô Bùi Thị Đẹp (thị trấn Kế Sách) túc trực suốt tuần, làm “công quả”, phụ trách khâu châm cứu, phơi thuốc, phân loại cho vào từng hộc riêng. Cô có mặt từ khi khai trương cho đến bây giờ đã tròn năm. Nhanh nhẹn đậy tấm lưới lên thuốc phơi ngoài sân tránh gió bay, cô đưa tay chỉ mấy chú kế bên, thổ lộ: “Tụi tui làm hết mình để phục vụ cho bà con, giúp được gì cứ giúp, chỉ mong sao sẽ có lớp trẻ kế thừa công việc này. Tuy có cực thiệt nhưng cũng có cái vui là khi thấy bà con hết bệnh, mừng còn hơn người thân của mình hết bệnh nữa đó”.

Thật vậy, không những cô còn những anh, chú khác cũng có tấm lòng từ tâm, sẵn sàng “hy sinh” lợi ích cá nhân để làm việc thiện. Lương y Phạm Văn Đức ở xã Phú Tân (Châu Thành), nguyên là Phó Chủ tịch Hội Đông y, Hội Châm cứu tỉnh có cả Phòng chẩn trị Đông Phương riêng khá đông khách. Hàng ngày, hai cha con anh dành trọn buổi sáng để “tiếp sức” và bồi dưỡng thêm tay nghề cho anh em thực hành theo đúng quy định của ngành Y tế. Cũng nhờ đó, nhiều người đã sử dụng thành thạo các phương tiện hỗ trợ hiện đại, áp dụng vào khám bệnh, bốc thuốc cho bà con. Vừa in xong toa thuốc cho bệnh nhân, đưa qua tổ bốc thuốc, anh quay sang tôi cười, khiêm tốn cho biết: “Mọi người ở đây luôn thực hiện tốt 9 điều Y huấn của Hải Thượng Lãn Ông và 7 điều nội quy của Phòng chẩn trị. Tất cả đều bằng cái tâm của người thầy thuốc, không ai so đo chuyện gì cả. Có nhiều bệnh nhân ở tận Cà Mau, Hậu Giang, Rạch Giá hay Sài Gòn cũng tìm đến. Bà con đến trị bệnh bằng niềm tin vào tay nghề thì mình phải ra sức phục vụ, bà con được sớm khỏi bệnh là vui lắm rồi. Đây là công đức chung của mọi người chứ không riêng ai”. Dì Trần Thị Ánh, quê ở Cà Mau, đang được châm cứu điều trị gai cột sống, nhức lưng, đau đầu gối thổ lộ: “Mới trị có 4 ngày thôi mà bây giờ hết đau rồi, các thầy chỉ châm cứu và hốt thuốc sắc cho uống. Thiệt là mát tay và rất nhiệt tình. Tui chưa thấy nơi nào được như vậy hết. Ngày mơi tui “dìa” dưới rồi, chừng nào rảnh sẽ lên tạ ơn”.

Nãy giờ, có một người cứ âm thầm làm việc say sưa, ít góp chuyện nhưng lại rất ấn tượng bởi kiểu bới tóc, để chòm râu. Anh rất hiền, phụ trách bốc thuốc và đi “săn” thuốc. Từ An Mỹ, hàng ngày anh đạp xe đi về. Tranh thủ những lúc không có bệnh, anh tập đánh máy vi tính, vừa luyện cho quen tay vừa học kinh nghiệm qua các bài báo viết về tác dụng của các cây thuốc. Hiện nay, anh đã sử dụng khá thành thạo phương tiện hiện đại này. Thẹn thùng như thiếu nữ tuổi dậy thì, anh tâm sự: “Tâm nguyện duy nhất của tôi là có thêm nhiều thời gian để được phục vụ bà con lâu dài hơn. Mình làm việc này cũng giống như “tích đức” cho con cháu sau này nhờ vậy”. Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi địa phương khác nhau nhưng họ gặp nhau tại đây bởi tấm lòng hướng thiện, bởi muốn duy trì và phát huy truyền thống quý báu vốn có “Nam dược trị Nam nhân” của ông cha trong điều trị bệnh cho người nghèo.

Mùa xuân lại về trên khắp các nẻo đường nhưng các anh, các chú nơi đây vẫn còn dự tính cho những chuyến đi “săn thuốc” dự trữ qua Tết sẽ sử dụng mà không nghe ai bàn tán về chuyện chuẩn bị ăn Tết như thế nào. Quả thật, những “ngọn lửa lòng” ấy rất đáng trân trọng, khắc ghi.

Hoàng Liên Phương

















Thống kê truy cập
  • Đang online: 11
  • Hôm nay: 1335
  • Trong tuần: 1 792
  • Tất cả: 878826
Cơ quan chủ quản: Sở Y Tế tỉnh Sóc Trăng
Địa chỉ: Số 6 đường Châu Văn Tiếp, P.2, TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299.3822576, Fax: 0299.3825323, Email: soyte@soctrang.gov.vn 
Ghi rõ nguồn thông tin điện tử Sở Y Tế (soyte.soctrang.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.