Châu Thành: Kế hoạch sản xuất vụ lúa đông xuân năm 2021 - 2022
Ngày 27/8/2021, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành ban hành Kế hoạch số 17/KH-NNPTNT về chỉ đạo sản xuất vụ lúa đông xuân năm 2021 - 2022 trên địa bàn huyện. 
Nhận định trước tình hình sản xuất vụ lúa hè thu năm 2021 của huyện đã gặp không ít khó khăn, thách thức do tình hình biến đổi khí hậu diễn biến hết sức phức tạp, giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao; tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thu hoạch lúa của bà con nông dân, giá lúa trên thị trường giảm mạnh làm cho lợi nhuận của bà con nông dân có giảm đáng kể. Cũng theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ vào những tháng cuối năm 2021, lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về đồng bằng sông Cửu Long xảy ra tình trạng thiếu nước khoảng 5% cho đến 10% so với mức nước trung bình nhiều năm, vì vậy khả năng nước mặn sẽ xâm nhập và cao hơn mức trung bình nhiều năm vào mùa khô 2021 - 2022.
 
Qua theo dõi điều kiện sản xuất tại các xã, thị trấn, để chủ động trong công tác phòng tránh thiên tai và phòng, chống dịch bệnh xảy ra trong vụ đông xuân năm 2021 - 2022, để chuẩn bị tốt cho vụ lúa này, nông dân huyện Châu Thành cần xuống giống né các đợt rầy nâu di trú và theo dự kiến các đợt rầy di trú trong vụ đông xuân khoảng 4 đợt, đợt 1 diễn ra trong tháng 9, từ ngày 10/9 đến ngày 20/9; đợt 2 là trong tháng 10, bắt đầu từ ngày 10/10 đến ngày 20/10 và tháng 11; từ ngày 15/11 đến ngày 25/11 và đợt cuối cùng vào tháng 12, từ ngày 20/12 đến ngày 30/12. Ở vụ sản xuất lúa đông xuân, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khuyến cáo cho bà con nông dân xuống giống vào các đợt như sau:
 
Đợt 1:  Xuống giống vụ đông xuân sớm trong tháng 9 dương lịch, thời gian bắt đầu từ ngày 15/9 đến ngày 15/10/2021, dự kiến sẽ thu hoạch vào cuối tháng 12/2021 và đầu tháng 01/2022, đây là đợt xuống giống tập trung, chủ yếu tại khác khu vực đất gò cao, vùng có đê bao khép kín, với diện tích xuống giống khoảng 12.000 ha.
 
Vụ đông xuân chính vụ gieo sạ vào đợt 2, tức là trong tháng 11, từ ngày 15/11 đến ngày 30/11/2021 và nông dân sẽ thu hoạch vào cuối tháng 02/2022, nông dân có ruộng tại các vùng đất trũng thấp, chủ động được nguồn nước tưới thì có thể xuống giống, dự kiến có khoảng 4.500 ha diện tích xuống giống đợt 2 tại địa bàn xã Hồ Đắc Kiện, Thiện Mỹ và xã An Ninh. 
 
Còn xuống giống đợt 3 gọi là vụ đông xuân muộn, nông dân sẽ xuống giống trước ngày 15/01/2022 và sẽ thu hoạch được vào cuối tháng 4/2022, dự kiến xuống giống khoảng 11.000 ha, chủ yếu ở những vùng có chủ động được nguồn nước tưới và vùng đất gieo sạ lấp vụ lại trên nền đất của vụ đông xuân sớm.
 
Ở vụ xuống giống này, nông dân huyện Châu Thành cần theo dõi sát tình hình diễn biến của xâm nhập mặn, nếu trước lịch xuống giống nước mặn đã xâm nhập vào các kênh nội đồng hoặc có nguy cơ bị mặn uy hiếp trong thời gian tới thì nông dân không nên xuống giống để tránh thiệt hại về sau.
 
Nông dân xã Hồ Đắc Kiện đang chăm sóc vụ lúa đông xuân sớm năm 2020 - 2021.
 
Trên cơ sở dự báo tình hình thủy văn và các đợt di trú rầy nâu kết hợp theo dõi bẫy đèn ở các địa phương để xác định lịch gieo sạ cụ thể cho từng vùng, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khuyến cáo nông dân xuống giống vụ lúa đông xuân tránh xuống giống quá sớm vì có thể gặp mưa ở cuối vụ hoặc nếu xuống giống quá trễ có thể bị khô hạn và xâm nhập mặn vào cuối vụ sản xuất. Vì thế, nông dân cần chủ động xuống theo lịch khuyến cáo của ngành chức năng, xuống giống đồng loạt, tập trung né rầy theo từng vùng, từng khu vực và từng cánh đồng.
 
Đối với giống lúa cần gieo sạ ở vụ lúa đông xuân, bà con nông dân nên căn cứ vào các tiêu chuẩn sau để lựa chọn giống lúa như: Sử dụng giống xác nhận, ưu tiên các giống lúa có thời gian thu hoạch sớm, sức chống chịu cao với điều kiện bất lợi về thời tiết, dịch bệnh, chịu mặn tốt, có năng suất cao, chất lượng tốt, được thị trường tìm kiếm nhiều. Chẳng hạn như các giống lúa OM 5451, OM 18, RVT, Đài Thơm 8 và nhóm lúa ST. Về một số vấn đề cần lưu ý trong kỹ thuật trong vụ lúa đông xuân, cụ thể như sau:
 
Nông dân cần chủ động theo dõi thông tin về tình hình xâm nhập mặn, tình hình dịch hại, các biện pháp ứng phó mặn. Khuyến khích nông dân mở rộng mô hình cánh đồng sản xuất tập trung. Ngành chức năng tăng cường công tác xúc tiến thương mại, các chính sách hỗ trợ cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, nhất là liên kết với doanh nghiệp trong việc sản xuất và tiêu thụ lúa.
 
Khi xuống giống, nông dân cần đảm bảo thời gian xuống giống của vụ trước ít nhất từ 2 tuần trở lên. Trong quá trình canh tác cần tuân thủ quy trình sản xuất theo chương trình 3 giảm, 3 tăng; 1 phải 5 giảm, sản xuất lúa theo hướng giảm giá thành sản xuất. Tăng cường sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học như: Nấm xanh trong phòng trừ rầy nâu, giúp bộ rễ lúa ăn sâu trong đất, hạn chế đổ ngã, chống chịu được với tình hình khô hạn và xâm nhập mặn.
 
Trạm Quản lý thủy nông có kế hoạch kiểm tra sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng hệ thống các cống nước, nhằm đảm bảo phục vụ sản xuất. Ngoài ra, nông dân cần thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết, tình hình mưa bão, xâm nhập mặn, qua việc kiểm tra chất lượng nguồn nước, Trạm Quản lý thủy nông cần thông báo ngay cho nông dân biết để có giải pháp ứng phó kịp thời./.
 
Mỹ Dung
 
Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 86409561

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.