Cù Lao Dung: Thực hiện nhiều giải pháp giúp nông dân tiêu thụ nông sản
Anh Nguyễn Văn Đắc - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung cho biết, địa phương có tổng tiện tích cây ăn trái là 4.653 ha, cây màu lương thực thực phẩm 4.345 ha và 2.988 ha diện tích nuôi thủy sản (trong đó đang thả nuôi thủy sản là 844 ha) với các cây, con như dừa, nhãn, xoài, bưởi, bắp, khoai môn, khoai từ, tôm thẻ, tôm sú… với tổng sản lượng cần tiêu thụ rất lớn, đặc biệt đây là nguồn thu nhập chính của người dân. Vì vậy, nhằm giảm bớt khó khăn, nhiều phương án đã được huyện đưa ra để giúp nông dân thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ và bước đầu đã phát huy hiệu quả. Trên cơ sở đó, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động thành lập tổ trồng trọt và tổ thủy sản hỗ trợ tiêu thụ nông sản (cấp huyện); hướng dẫn UBND các xã, thị trấn thành lập 8 tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản; thành lập nhóm Zalo tiêu thụ nông sản gồm thành viên các tổ để hỗ trợ người dân có nông sản tiêu thụ nhanh nhất; làm đầu mối đăng ký luồng xanh cho các xe tải vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, mặt hàng nông sản, thủy sản đăng ký cấp mã số nhận diện theo hướng dẫn Sở Giao thông Vận tải. Xây dựng Bộ tài liệu giới thiệu nông sản huyện Cù Lao Dung để tuyên truyền, đăng tải trên Trang thông tin điện tử huyện; Trang thông tin điện tử hợp tác xã của tỉnh do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đăng tải. Phát huy mạnh mẽ các công cụ từ các mạng xã hội Zalo, Facebook để làm việc nhóm, hợp trực tuyến kết nối, liên kết và quảng bá giới thiệu nông sản; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên các sàn giao dịch điện tử để tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho bà con nông dân và các phương tiện vận chuyển hàng hóa, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn đã bố trí 24 điểm tập kết hàng nông sản trên luồng xanh, bao gồm luồng xanh quốc gia và luồng xanh địa phương. UBND các xã, thị trấn đã cử cán bộ đầu mối hướng dẫn các tổ lao động, tổ vận chuyển hàng nông sản, thủy sản, hỗ trợ nông dân thu hoạch, vận chuyển ra điểm tập kết theo quy định, đảm bảo quản lý được người vào thu mua, thu hoạch, vận chuyển an toàn phòng chống dịch Covid-19. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các thương lái, các cơ sở thu mua, thu hoạch, vận chuyển, UBND các xã, thị trấn đã xác nhận đầy đủ, kịp thời cho các trường hợp đủ điều kiện di chuyển qua lại giữa các vùng liên xã trong nội bộ huyện (trừ việc di chuyển giữa vùng xanh với vùng xanh) và di chuyển liên huyện (đối với người dân)...
Nông sản được tập kết chuyển đến TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương tiêu thụ thông qua kết nối của huyện.
Đặc biệt, huyện đã chọn các đầu mối để làm đại diện liên kết từng loại nông sản với các hợp tác xã, các vựa làm đầu mối tiêu thụ nông sản. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các sở ngành tỉnh liên kết với các doanh nghiệp, thương lái trong và ngoài huyện để kết nối tiêu thụ nông sản cho người dân.
Kết quả, tổng sản lượng toàn huyện đã thu hoạch và tiêu thụ từ ngày 19-7 đến 30-8 là 1.881 tấn (gồm cây ăn trái 1.309 tấn; cây màu các loại 572 tấn); 360.800 quả; 1.550 tấn tôm các loại… Trong đó, có rất nhiều nông sản được tiêu thụ thông qua liên kết với đội xe “Siêu thị lưu động - chia sẽ yêu thương”; Hội Doanh nghiệp Bình Tân, thuộc nhóm Doanh nghiệp trẻ TP. HCM; thương lái tại TP. Hồ Chí Minh; Công ty chế biến nông sản Khu Công nghiệp Trà Nóc Cần Thơ; Hợp tác xã Nông nghiệp 83 Farm; Công đoàn Công an tỉnh Sóc Trăng… để thu mua, tiêu thụ các mặt hàng nông sản trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, giá cả các mặt hàng nông sản giảm mạnh so với thời điểm trước dịch, việc tiêu thụ các loại rau củ quả không đáp ứng hết nhu cầu cần bán của người dân, một số loại nông sản chín rộ như nhãn xuồng, táo, đu đủ… đã bị hư, rụng, thất thoát nhiều (20-30%) nên ảnh hưởng đến chất lượng cũng như giá bán; một số nông sản khó tiêu thụ như ớt sừng vàng, khoai môn. Nhưng đây được xem là nỗ lực rất lớn của Cù Lao Dung nhằm giúp nông dân bớt cảnh trắng tay do ảnh hưởng dịch bệnh.
Hiện diện tích các loại nông sản dự kiến thu hoạch từ nay đến cuối năm là 1.288 ha, ước sản lượng 12.622 tấn. Trong đó, cây ăn trái 560 ha, sản lượng 9.202 tấn; cây màu 729 ha, sản lượng 3.420 tấn. Huyện Cù Lao Dung sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản tùy theo diễn biến của dịch bệnh. Bên cạnh đó, huyện rất cần sự hỗ trợ, quan tâm của các sở ngành tỉnh giúp địa phương quảng bá, giới thiệu nông sản Cù Lao Dung; có giải pháp tiếp cận, kết nối tiêu thụ nông sản với tiểu thương tại các chợ truyền thống ở các huyện, thị xã, thành phố tỉnh Sóc Trăng và các chợ, trung tâm thương mại ngoài tỉnh. Trước mắt tiêu thụ các mặt hàng nông sản khó tìm đầu ra như ớt sừng trâu, ớt sừng vàng (sản lượng khoảng 24 tấn); khoai môn (hiện tại đến thu hoạch khoảng 150 tấn và đến tháng 12 trên 500 tấn); đủ đủ ruột vàng (hiện tại đến kỳ thu hoạch khoảng 90 tấn và đến tháng 12 trên 380 tấn); chanh bông tím (hiện tại đến kỳ thu hoạch khoảng 40 tấn và đến tháng 12 trên 200 tấn), cá tra trên 500 tấn, nhằm giúp nông dân huyện Cù Lao Dung vượt qua khó khăn trong giai đoạn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
H.LAN