Lượt xem: 3484
Bác Hồ thực hành tiết kiệm

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng, một vị lãnh tụ vĩ đại mang trong mình những phẩm chất đạo đức cao quý. Một trong những phẩm chất đạo đức lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu để lại cho muôn đời sau là đức tính tiết kiệm của Người.

Đức tính đó không chỉ thể hiện qua nhiều bài viết, bài nói chuyện mà còn được biểu hiện qua thái độ hành vi hàng ngày như một nguyên tắc sống của Người. Người không chỉ kêu gọi mọi người tiết kiệm mà bản thân Người luôn ý thức và tự giác tiết kiệm vì mọi người, vì nhân dân, vì một xã hội ấm no hạnh phúc.

1- Tiết kiệm công sức lao động

Năm 1950, Bác Hồ đi chiến dịch Biên giới. Chuyến đi dài ngày gian khổ, đồng chí cảnh vệ kiếm được một con ngựa, mời Bác lên. Bác cười: “Chúng ta có 7 người, ngựa chỉ có một con, Bác cưỡi sao tiện?” Anh em khẩn khoản: “Chúng cháu còn trẻ, Bác đã cao tuổi, đường xa, việc nhiều…”. Không nỡ từ chối, Bác trả lời: “Thôi được, các chú cứ mang ngựa theo để nó đỡ ba lô, gạo nước và thức ăn. Trên đường đi, ai mệt thì cưỡi. Bác mệt, Bác cũng sẽ cưỡi”. Năm 1957, nhân chuyến đi thăm Trung Quốc, Bác Hồ thấy có một loại cây lá vẫn xanh tốt trong khi nhiều loại cây khác đều rụng lá. Khi hỏi cán bộ địa phương và được biết đó là một loại cây có sức sống tốt, bốn mùa cây đều xanh tốt và ít rụng lá, Bác đề nghị xin bạn một cây. Khi về nước, Bác đã cho trồng thử bên nhà Bác ở cạnh ao cá. Người nói với anh em làm vườn: “Đây là loại cây có sức sống tốt, mùa đông ít rụng lá, các chú chăm sóc thử xem. Nếu cây chịu được khí hậu nước ta và phát triển tốt thì sau này nhân giống trồng trên các đường phố, để mùa đông các cô, các chú công nhân đỡ tốn công sức đỡ vất vả khó nhọc”.

Người tự đánh máy những bài báo, những bức thư gửi đi các nơi. Những việc cá nhân trong sinh hoạt hàng ngày, Người tự làm là chính không muốn làm phiền người khác khi không cần thiết. Người tự chuẩn bị chăn màn trước khi đi ngủ, xếp gọn gàng lúc thức dậy. Vào những năm cuối đời, sức khỏe của Bác giảm sút rõ rệt. Tuy nhiên Bác vẫn không bỏ thói quen sinh hoạt mà Người thực hiện nhiều năm. Hằng ngày, cứ đúng giờ quy định, Bác rời nhà sàn đi bộ sang nhà ăn phía bên kia hồ. Những hôm thời tiết xấu, mưa to gió lớn Bác vẫn đi. Các đồng chí phục vụ nhìn Bác xắn quần lội qua quãng đường nước đổ xuống hồ chảy xiết mà thương Bác vô cùng.  Một hôm, sắp hết giờ làm việc buổi sáng, trời đã đổ mưa to. Thấy cơ hội thuận tiện, đồng chí giúp việc xin phép Bác được mang cơm sang nhà sàn để Bác khỏi đi lại vất vả. Bác dừng tay làm việc, trầm ngâm nhìn trời mưa, hỏi đồng chí phục vụ: “Thế mang cơm sang cho Bác cần mấy chú?”, “Dạ, thưa Bác, một đồng chí bê cơm, một đồng chí bê thức ăn và hai đồng chí đi kèm che mưa”, “Thế chú muốn một mình Bác vất vả hay muốn để nhiều người vất vả vì một mình Bác?”. Lời Bác nhẹ nhàng nhưng cương quyết. Đồng chí giúp việc không dám nói gì thêm. Hết giờ làm việc, mưa vẫn tầm tã, Bác xếp sắp tài liệu gọn gàng rồi xắn cao quần, tay cầm ô, tay chống gậy, lần từng bước qua con đường vòng ao cá nước chảy xiết sang nhà ăn dùng bữa trưa như thường lệ.

2-Tiết kiệm thời gian

Trong sinh hoạt hàng ngày, Người luôn đặt cho mình một kỷ luật chặt chẽ, ngăn nắp, gọn gàng, biết quý trọng thời gian, vì thế mà Bác luôn sắp xếp thời gian tiến hành mọi việc thật hợp lý, sao cho ít tốn thời giờ mà lại đạt được hiệu quả cao nhất.

Năm 1945, nói chuyện tại lễ tốt nghiệp khóa V, trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thắn góp ý: “Trong giấy mời tới đây nói 8h bắt đầu, bây giờ 8h10 phút rồi mà nhiều người chưa đến... Tôi khuyên anh em phải làm việc cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm”(1). Trong kháng chiến chống Pháp, một cán bộ cấp tướng đến làm việc với Bác muộn với lý do mưa to, lũ lớn, Bác bảo: “Chú làm tướng mà chậm 15 phút thì bộ đội của chú sẽ hiệp đồng sai đi bao nhiêu? Hôm nay chú đã chủ quan, không chuẩn bị đầy đủ các phương án, nên chú đã không giành được chủ động”.

Lần khác, Bác và đồng bào phải đợi một đồng chí cán bộ đến để bắt đầu mít tinh, đồng chí thanh minh chậm 10 phút nhưng Bác nói: “Chú tính thế không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây”. Năm 1953, Bác có kế hoạch đến thăm một lớp chỉnh huấn thì trời mưa to dồn dập, xối xả ba tiếng đồng hồ, nước lũ cuốn xiết, nhưng Bác vẫn xắn quần lội nước đến đúng giờ, Người nói: “Đã hẹn thì phải đến, đến cho đúng giờ. Thà chỉ một mình Bác và một vài chú nữa chịu ướt còn hơn để cả lớp học phải chờ uổng công”.

Vào dịp Tết năm 1956, hàng trăm đại biểu nhân dân Thủ đô tập trung ở ủy ban hành chính để đi chúc tết Bác thì bỗng trời đổ mưa rất to. Giữa lúc mọi người đang lúng túng tìm phương tiện, một chiếc xe đỗ ngay trước cửa, Bác bước xuống, tay cầm ô đi vào lần lượt bắt tay chúc tết các đại biểu. Thì ra thấy trời mưa to, không muốn nhân dân phải vì mình mà vất vả nên Bác đã tranh thủ thời gian đến tận nơi chúc Tết trước.

3- Tiết kiệm tiền của dân, của nước, của bản thân mình

Khi còn ở trong căn nhà hẻm Công Poăng (Pháp), không có chăn nệm ấm, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã chống lại cái lạnh cắt da, cắt thịt của trời Âu băng tuyết bằng cách trước lúc đi làm lấy một viên gạch bỏ vào lò sưởi, tối về lấy ra bọc viên gạch hồng cho vào dưới giường ngủ để sưởi ấm.

Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là những chuỗi ngày dài gắn liền với hoạt động cách mạng cứu nước cứu dân, vì thế dù trong hoàn cảnh nào, Người vẫn luôn ý thức tiết kiệm vì mọi người, vì nhân dân, vì nước. Khi cách mạng thành công, trên cương vị của một Chủ tịch nước nhưng Bác vẫn giữ lối sống giản đơn, bình dị và vô cùng tiết kiệm. Sau Cách mạng tháng 8, trước nạn đói rất nghiêm trọng, Người phát động phong trào nhường cơm xẻ áo, mỗi người cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa để góp gạo cưu mang người đói và chính Người đã gương mẫu thực hiện.

Một lần Bác đọc trên báo Hà Nội mới có tin ở Hợp tác xã thủ công Ngũ Xã, Hà Nội chuẩn bị đúc tượng đồng bán thân Bác, Bác nói ngay với các đồng chí Văn phòng yêu cầu dừng việc đó lại và dùng số tiền ấy xây thêm một phòng học cho các cháu học sinh. Lẽ thường, người đời ai chẳng thích được mọi người tôn sùng, có người còn tự bỏ tiền ra để đúc tượng, tạo dựng hình ảnh của mình trước thiên hạ. Nhưng với Bác điều đó đồng nghĩa với việc lãng phí, dùng tiền không đúng mục đích, mặc dù việc đúc tượng Bác là xuất phát từ tấm lòng kính yêu của mọi người dành cho Bác, nhưng Bác nhận thấy rằng đất nước còn khó khăn, nhân dân còn thiếu thốn, việc dùng số tiền ấy để xây dựng phòng học là việc hợp lý, đáng làm.

Nhân cách lớn lao, tình thương của Bác dành cho mọi người đã đạt đến mức quên mình. Bác không cầu danh lợi, không thích phô trương mà chỉ mong: “Là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào mình ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.(2)

Hằng năm cứ đến dịp sinh nhật Bác, nhiều đoàn thể cơ quan tập trung đến chúc thọ, Bác rất vui nhưng sau Bác bảo ngày sinh của Bác là ngày riêng cá nhân, không làm ảnh hưởng nhiều đến thời gian và tiền bạc của tập thể. Bác nhờ các đồng chí bảo vệ tìm một địa điểm trên núi Ba Vì để cứ đến dịp 19-5 là Bác “đi công tác” lên đó nghỉ ngơi, đọc sách. Ngôi nhà được Bác đặt tên là “Cần kiệm”.

Là một vị Chủ tịch nước nhưng quần áo của Bác cũng chỉ có vài bộ may cùng kiểu. áo dùng lâu, giặt nhiều nên cổ áo bị sờn và rách dần, anh em đề nghị may thêm bộ mới, Bác bảo: “Cả cái áo chỉ sờn chỗ cổ mà vứt đi thì không được, các chú chịu khó tháo cổ rồi lộn phía trong ra phía ngoài may lại thì vẫn lành như mới”, thấy thế ai nấy đều hiểu và làm theo ý Bác.

Mỗi khi tiếp khách Bác thường mặc đại cán bằng vải kaki tuy cũ, nhưng phẳng phiu, sạch sẽ. Anh em xin phép Bác may thêm bộ mới để Bác thay đổi, Bác nói: “Đất nước còn nghèo, đời sống nhân dân còn khó khăn, Bác đã có hai bộ kaki tuy cũ nhưng vẫn mặc tốt, các chú đừng may thêm kẻo lãng phí”.

Đôi dép cao su Bác đi khi còn ở chiến khu Việt Bắc, về Hà Nội Bác vẫn dùng nhưng đôi dép của Bác đã lâu, sửa lại nhiều lần và phải đóng đinh giữ cho quai dép khỏi tuột. Các đồng chí phục vụ mua cho Bác đôi dép mới, Bác không nhận mà tặng lại một đồng chí bảo vệ và Bác đề nghị đưa đôi dép cũ đi chữa lại đế. Người nói: “Khi nào không sửa được nữa thì hãy mua, giờ mua đôi khác không cần thiết, vì vẫn dùng được”. Thực ra không phải Bác không muốn dùng đôi mới để đi lại dễ dàng, thuận tiện hơn mà vì Bác nghĩ: “Dân ta còn nghèo, mỗi người kể cả Chủ tịch nước cũng phải tiết kiệm”.

Bữa ăn hàng ngày của Người chỉ ba bốn món: tương, cà, dưa muối, cá kho với lá gừng... Bữa ăn nào Bác cũng tiết kiệm vừa đủ, không để thừa, không rơi vãi một hột cơm. Trong bữa ăn món nào nhiều cảm thấy ăn không hết Bác đều san bớt từ trước để người khác có thể dùng hoặc để lại bữa sau. Những hôm mời khách ăn cơm, bao giờ Bác cũng báo trước cho các đồng chí cấp dưỡng biết để chuẩn bị và số tiền đãi khách đó được trừ vào tiền lương của Bác, không bao giờ Bác dùng một đồng công quỹ nào. Tiền lương hàng tháng của Bác sau khi trừ các khoản chi tiêu, ăn uống còn lại đều được gửi vào quỹ tiết kiệm, khi nào có việc đột xuất Bác mới nhờ anh em đi lấy.

Năm 1957, Bác thăm Liên Xô và một số nước Đông Âu. Bác hài lòng khen: “Các chú tổ chức chiêu đãi vừa tiết kiệm, vừa trang trọng. Các món ăn không thừa, không thiếu”. Sau đó, Bác kể chuyện có sứ quán do tính toán không kỹ, khi chiêu đãi khách, các món ăn thừa rất nhiều. Bác nói: “Ăn uống lãng phí, Bác xót xa lắm, vì đây là tiền bạc của Nhà nước, của nhân dân. Bà con ta ở trong nước làm đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có miếng mà ăn. Vì vậy để lãng phí, xa hoa là có tội với nhân dân”.

Ngày 1-8-1959, nhận lời mời của BCH TƯ Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm và nghỉ hè ở Liên Xô từ ngày 30-6 đến 30-7-1959. Vào ngày cuối cùng khi Bác rời Liên Xô, kết thúc chuyến thăm, Bác đã viết một bức thư gửi đồng chí thủ quỹ BCH TƯ Đảng Cộng sản Liên Xô. Bút tích bức thư bằng tiếng Pháp và nội dung thư được dịch ra tiếng Việt là một minh chứng sinh động nhất để hiểu thêm tấm gương đạo đức của Bác Hồ: “Kính gửi đồng chí thủ quỹ BCHTƯ Đảng Cộng sản Liên Xô. Đồng chí thân mến, trước khi rời Matxcơva, BCHTƯ đã đưa cho tôi 4000 rúp và thư ký (Vũ Kỳ) của tôi 1000 rúp. Tổng cộng 5000 rúp. Vì chúng tôi không chi tiêu gì trong cuộc đi thăm này, tôi xin gửi lại đồng chí số tiền 5000 rúp và mong đồng chí nhận số tiền này. Xin gửi lời chào anh em. 1-8-59. Hồ Chí Minh”.

Không chỉ tiết kiệm của công mà trong đời sống sinh hoạt hàng ngày Bác cũng rất có ý thức tiết kiệm từ những cái nhỏ nhất. Ngay từ bánh xà phòng Bác dùng cũng được để trong hộp nhựa, dưới để những viên sỏi nhỏ, Bác bảo: sỏi sẽ hút nước làm xà phòng rắn lại, làm như thế sẽ lâu hết, tiết kiệm để cho các cháu gái vùng cao hàng tháng có xà phòng dùng. Những ngày hè oi bức,bác dùng chiếc quạt lá cọ do các đồng chí bảo vệ làm cho Bác, rất ít khi Bác dùng quạt điện, vì Bác muốn tiết kiệm điện dành cho sản xuất, cho đời sống sinh hoạt của dân. Trước kia Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) hàng ngày đều đưa bản tin lên cho Bác xem. Khi in một mặt, Bác phê bình là lãng phí giấy. Sau đấy TTX in hai mặt bằng rônêô nhưng nhòe nhoẹt khó đọc hơn nhưng Bác vẫn đọc. Sang năm 1969, sức Bác yếu và mắt giảm thị lực, TTX lại gửi bản tin in một mặt để Bác đọc cho tiện, nhưng khi xem xong, những tin cần thiết Bác giữ lại, còn Người chuyển bản tin cho văn phòng Phủ Chủ tịch cắt làm phong bì tiết kiệm hoặc dùng làm giấy viết. Ngày 10-5-1969, Bác đã viết lại toàn bộ đoạn mở đầu bản Di chúc lịch sử bằng mực xanh vào mặt sau tờ tin Tham khảo đặc biệt ra ngày 3-5-1969.

Từ giữa năm 1969, sức khỏe Bác yếu đi nhiều nên Bộ Chính trị đề nghị: Khi bàn những việc quan trọng của Đảng, Nhà nước thì mời Bác chủ trì, còn những việc khác thì cứ bàn rồi báo cáo lại sau, Bác cũng đồng ý như vậy. Tháng 7, BCT họp ra nghị quyết về việc tổ chức 4 ngày lễ lớn của năm sau: ngày thành lập Đảng, ngày Quốc khánh, ngày sinh Lênin và ngày sinh của Bác. Sau đó báo Nhân dân đăng tin nghị quyết này, Bác đọc báo xong liền cho mời mọi người đến để góp ý kiến: “Bác chỉ đồng ý 3/4 nghị quyết. Bác không đồng ý đưa ngày 19-5 là ngày kỷ niệm lớn trong năm sau. Hiện nay, các cháu học sinh đã sắp bước vào năm học mới, giấy mực, tiền bạc dùng để tuyên truyền về ngày sinh của Bác thì các chú nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu, khỏi lãng phí”. Bác rèn luyện cán bộ phải có thói quen tiết kiệm, từ những việc quốc gia đại sự đến những việc nhỏ nhất trong sinh hoạt hàng ngày.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng: Nếu đua về sự xa hoa với người thì bao giờ ta cũng thua nhưng nếu đua về sự cần kiệm thì ta nhất định thắng. Tuy nhiên, quan điểm “Tiết kiệm” của Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là hà tiện, lúc nào cũng bo bo giữ cho riêng mình, mà với Người “việc gì nên làm thì tốn kém bao nhiêu cũng làm, việc gì không đáng làm thì chỉ 1 xu cũng không làm”. Mùa hè năm 1967, khi thấy thời tiết nóng bức, nắng chói chang, Bác nói với các đồng chí Văn phòng ra quầy tiết kiệm, rút hết số tiền còn trong sổ (lúc đó còn khoảng 25.000 đồng tương đương với 60 lượng vàng thời bấy giờ), đem sang Bộ Quốc phòng nói là Bác gửi tặng bộ đội phòng không để uống nước giải khát (với số tiền đó đủ mua nước uống cho bộ đội phòng không không quân miền Bắc trong vòng một tuần).

Vào dịp Quốc khánh 2-9 hàng năm Bác vẫn cho các đồng chí lãnh đạo tổ chức bắn pháo hoa chào mừng, kỷ niệm ngày lễ dù Bác biết rằng việc làm này rất tốn kém. Ngày 31-8-1969, tình hình sức khỏe của Bác rất xấu, các đồng chí tổ chức xin phép ngày lễ 2-9 tới sẽ không bắn pháo hoa, nhưng Bác không đồng ý vì Bác tâm niệm “bắn pháo hoa để nhân dân vui”, Bác hiểu ngày Quốc khánh trọng đại là thành quả của nhân dân. Làm lễ lớn để kỷ niệm cũng chính là cổ vũ tinh thần, giúp nhân dân hăng hái học tập, sản xuất và chiến đấu, xây dựng đất nước. Và đến khi đặt bút căn dặn lại một chút “việc riêng” trong Di chúc, Người viết: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân”(4). Đúng như Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Hồ Chí Minh thực sự không có ham muốn nào khác ngoài ham muốn suốt đời hết lòng, hết sức làm người đầy tớ trung thành, tận tụy của nhân dân. Đạo đức chí công vô tư đã giúp Hồ Chí Minh chiến thắng mọi kẻ thù, vượt qua mọi thử thách của vinh quang. Đó là chất người tinh khiết tỏa hào quang của một cuộc đời cao thượng, một tâm hồn trong sáng xưa nay hiếm”.

Tư tưởng về tiết kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở đó, mà Người còn dạy rằng:Tiết kiệm phải luôn đi với cần cù, Hồ Chí Minh coi cần và kiệm như 2 chân của con người, phải song hành với nhau. Cần mà không kiệm thì chẳng khác nào “Gió vào nhà trống”, “Nước đổ vào chiếc thùng không đáy”, “Làm chừng nào xào chừng đấy”. Còn kiệm mà không cần thì sản xuất được ít, không đủ dùng, không có tăng thêm, không có phát triển không chỉ bản thân mình, gia đình mình mà cả đất nước sẽ khó lòng tiến bộ.

Bồi dưỡng phẩm chất cần kiệm sẽ làm cho chúng ta vững vàng trước mọi thử thách “Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói.

Để thực hiện được lối sống cần, kiệm trong thời đại kinh tế thị trường quả thực là rất khó, nhưng nếu như mỗi người đều cố gắng, lấy phẩm chất đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm chuẩn mực thì chúng ta nhất định sẽ góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của đất nước.


















Thống kê truy cập
  • Đang online: 39
  • Hôm nay: 953
  • Trong tuần: 1 689
  • Tất cả: 1100186
Cơ quan chủ quản: Sở Y Tế tỉnh Sóc Trăng
Địa chỉ: Số 6 đường Châu Văn Tiếp, P.2, TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299.3822576, Fax: 0299.3825323, Email: soyte@soctrang.gov.vn 
Ghi rõ nguồn thông tin điện tử Sở Y Tế (soyte.soctrang.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.